- Sự đột ngột: Các bậc phụ huynh thường có tâm lý ngại giải thích hoặc cảm thấy không cần thiết phải giải thích trước cho trẻ những điều mà trẻ con không hiểu. Từ đó, các bậc cha mẹ tự sắp xếp và đưa con đến trường mà không chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ. Đây là điều cha mẹ cần lưu ý. Đối với trẻ em, dù bất cứ độ tuổi nào, việc thay đổi môi trường và người chăm sóc đột ngột đều gây nên những xáo trộn nhất định. Mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào từng trẻ.
- Rối loạn mối quan hệ mẹ-con: Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, xuất hiện trong khoảng ba năm đầu đời của trẻ. Nếu các bậc phụ huynh chuẩn bị tốt cho con trong giai đoạn này, trẻ sẽ vững mạnh về tâm lý, sẵn sàng hòa nhập ở lứa tuổi đến trường.
+ Mối quan hệ mẹ-con được đánh dấu ngay từ trong bào thai. Khi đó, thai nhi cần được sự âu yếm, vuốt ve, trò chuyện của mẹ, thai nhi cần người mẹ có một trạng thái tâm lý cân bằng và thể chất tốt để phát triển.
+ Sự xa cách đầu tiên được đánh dấu bằng việc trẻ được sinh ra, rời khỏi bụng mẹ để bắt đầu cuộc sống của mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, hầu như trẻ với mẹ là một. (Trẻ luôn tìm kiếm sự gắn bó với người chăm sóc chúng. Nếu vì lý do nào đó mà người mẹ không hiện diện, trẻ cũng có thể tìm mối quan hệ gắn bó với người chăm sóc thay thế). Thông qua sự ẵm bồng, bú mớm, vuốt ve, trò chuyện, người mẹ cho trẻ sự bình yên tuyệt đối. Trong giai đoạn này, nếu vì điều gì làm trẻ xa mẹ sớm mà không có giai đoạn chuyển tiếp với người chăm sóc thay mẹ, thì mối quan hệ này bị phá vỡ, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự phát triển của mình.
+ Cha mẹ cần tập cho trẻ thích nghi với sự thay đổi về người chăm sóc.
Từ tám tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết phân biệt lạ, quen. Trẻ đang lớn dần thì việc tập cho trẻ thích nghi với việc vắng mặt tạm thời của mẹ sẽ giúp trẻ hiểu được sự kiện người mẹ không có mặt không có nghĩa là mẹ không tồn tại. Tùy từng trẻ mà mức độ thích nghi này diễn ra nhanh hay chậm.
+ Vì vậy, nếu không có được đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của mẹ hoặc người chăm sóc trong ba năm đầu đời, trẻ sẽ dễ dàng hình thành tâm lý mỏng manh. * * Đây là điều kiện cho những rối loạn xuất hiện nếu trẻ gặp những hoàn cảnh khó thích nghi.
- Những yếu tố kèm theo: Thời gian ở trường quá dài: Sống với người thân và khung cảnh gia đình quen thuộc từ khi lọt lòng nên ngày đầu đi học và ở trường cả ngày, trẻ rất dễ gặp sự xáo trộn, lo lắng, căng thẳng quá sức chịu đựng của mình.
+ Lớp học quá đông nên cô giáo không thể dành thời gian nhiều cho từng trẻ một.
+ Tiếp cận với môi trường lạ lẫm (cô giáo, bạn bè, môi trường…).
+ Trẻ sinh non, sinh mổ, không được bú mẹ, cũng là một yếu tố góp phần cho sự kém thích nghi của trẻ khi đến trường.
- Cách giúp trẻ sớm thích nghi với môi trường mới
+ Về phía phụ huynh: Giải thích cho trẻ điều gì đang xảy ra bằng lời nói một cách rõ ràng theo từng lứa tuổi của trẻ, không nói dối, không lẩn tránh. Phụ huynh cũng có thể sử dụng hình ảnh để giải thích cho trẻ về thời gian nào ở trường và thời gian nào ở nhà.
+ Chỉ khi biết chơi với cha mẹ hoặc người chăm sóc, trẻ mới biết chơi với bạn cùng lứa. Vì vậy, phụ huynh hãy là người bạn đầu tiên của con, dành thời gian chơi với con mỗi ngày qua đồ chơi. Nhờ đó, trẻ sẽ được trang bị những phương tiện, công cụ cho việc kết bạn khi đến trường.
+ Cho trẻ có thời gian để thích nghi dần với môi trường mới: Bắt đầu bằng việc tham quan trường học, quan sát các bạn chơi, dần dần tiếp cận với trò chơi có ở sân trường hoặc trong phòng học; khi đi học thì nên bắt đầu bằng thời gian ngắn nhất như 1 giờ đồng hồ, rồi tăng lên dần theo thời gian. Những điều này luôn đi kèm với sự giải thích bằng lời nói.
+ Tạo cho trẻ thú vui khi đi học: Thái độ và hành động của cha mẹ là điều rất quan trọng với trẻ, được thể hiện khi đưa con đi học, đón con về, trò chuyện cùng con, chơi cùng con. Trò chuyện cùng trẻ về niềm vui ở trường, điều gì xảy ra, mối quan hệ với cô giáo và các bạn… Cần tránh nói đến những gợi ý không tích cực như: “Cô có đánh con không?”, “Bạn có giành đồ chơi của con không?”… vì những gợi ý này sẽ tạo ấn tượng không đẹp đối với trẻ.
- Về phía nhà trường: Đối với những trẻ khó thích nghi, cô giáo cần cho phép phụ huynh được vào chung với trẻ trong một thời gian đầu, để mẹ và cô làm công việc chuyển tiếp, để tập cho trẻ thích nghi dần với môi trường mới. Tránh việc hù dọa, đánh đập trẻ. Sự ân cần của cô giáo là điều luôn cần thiết đối với trẻ. Cách phòng tránh những khó khăn tâm lý có thể xảy ra khi trẻ bắt đầu đi học. Thiết lập mối quan hệ mẹ-con đủ tốt với trẻ từ khi còn là thai nhi.
Chuẩn bị cho trẻ một sức khỏe tốt: Phát triển tốt vận động, ngôn ngữ, nhận thức… theo từng lứa tuổi, vì đây là những điều thuận lợi cho việc đi học của trẻ. Bất cứ điều gì cũng cần giải thích hoặc chuẩn bị tinh thần cho trẻ trước. Thời gian cha mẹ dành cho trẻ hằng ngày để chơi đùa, trò chuyện, thể hiện yêu thương là rất cần thiết. Cần đưa trẻ đến các bệnh viện hoặc phòng khám tâm lý nhi nếu phụ huynh nhận thấy có điều bất ổn về tâm lý nơi trẻ.