HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI ĐÓNG VAI TRÒ NHƯ THẾ NÀO CHO SỰ PHÁT TRIỄN CỦA TRẺ
Thứ sáu - 15/10/2021 08:51
Hoạt động chơi góp phần rất quan trọng vào việc phát triển nhận thức, hình thành kỹ năng nhận thức, phát triển thể chất, và hình thành các tương tác xã hội ở trẻ.
1/ VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG CHƠI Hoạt động chơi góp phần rất quan trọng vào việc phát triển nhận thức của trẻ. Những trẻ được chơi tự do với vật liệu, đồ chơi thể hiện sự vượt trội so với những trẻ khác về nhiều mặt như: kỹ năng tư duy và năng lực giải quyết vấn đề; định hướng tiêu và kiên trì thực hiện. Chơi cũng giúp thúc đẩy sự sáng tạo và trí tưởng tượng, phát triển khả năng phân tích, phán xét, tổng hợp, xây dựng của trẻ và giúp trẻ hiểu được mối quan hệ nhân quả.
Hoạt động chơi hình thành kỹ năng nhận thức và thể chất. Chơi hỗ trợ phát triển toàn diện thần kinh, một nhân tố quyết định khả năng học ở cấp độ cao hơn của trẻ như đọc, viết và toán số.
Thông qua hoạt động chơi, trẻ hình thành sự tự tin và học cách tin tưởng người khác, học cách chia sẻ, cho và nhận, thể hiện ý tưởng và cảm xúc, biết chọn lựa, biết thể hiện tình thân, đón nhận quan điểm của người khác và gắn kết với mọi người. 2/ PHÂN LOẠI CÁC KIỂU CHƠI CỦA TRẺ Qua việc quan sát và tham gia vui chơi trẻ em, giáo viên có cái nhìn sâu sắc hơn vào khả năng tư duy và phát triển của trẻ. Qua đó giáo viên có thể chọn lựa phương pháp giảng dạy phù hợp, gồm giảng trực tiếp, đặt câu hỏi để kích khích trẻ, xây dựng các hoạt động mang tích thử thách, tạo cơ hội cho trẻ biết cách hợp tác và giải quyết vấn đề. Dưới đây là các hình thức chơi thường gặp ở trẻ mầm non: Độc lập (một mình): Trẻ chơi một mình với đồ chơi theo ý tưởng của mình. Song song (2 người): Hai trẻ ngồi chơi bên cạnh nhau. Hai trẻ có thể bắt chước nhau hoặc thực hiện những hoạt động rất khác nhau với cùng món đồ chơi. Hợp tác: Trẻ cùng chơi với bạn, cùng giải quyết vấn đề, chia sẻ ý tưởng và đồ chơi. Tự định hướng: Trẻ thực hiện một ý tưởng hay chơi đồ chơi một mình hoặc cùng bạn, nhưng có sự hỗ trợ hoặc tham gia của người lớn. Vận động tinh: Trẻ tìm hiểu các tính chất của đồ vật qua các giác quan và hoạt động thể chất, ví dụ chơi với cát, nước, nặn đất sét, tạo hình từ giấy bồi… Lắp ráp – xây dựng: Trẻ dùng đồ vật và đồ chơi lắp ráp để tạo ra nhiều thứ khác nhau theo nhiều cách khác nhau. Đóng kịch: Trẻ giả vờ đóng kịch, bắt chước hoặc diễn lại các tình huống về cảm xúc, sự kiện, con người hoặc con vật bằng ngôn ngữ và hành động. Biểu tượng: Trẻ dùng đồ vật tượng trưng cho một thứ khác theo trí tưởng tượng của trẻ. Khi trẻ lớn hơn, khả năng hình dung của chúng tốt hơn, trẻ sẽ dễ dàng dùng nhiều đồ vật khác với thực tế hơn. Vận động thô: Là các hoạt động đòi hỏi trẻ sử dụng cơ, thường là các hoạt động ngoài trời, trẻ có thể chạy nhảy, leo trèo và chạy xe. Hoạt động chơi mang đến những Giá trị – Kỹ năng sống sau đây: Học tập, hợp tác, chia sẻ ý tưởng, giao tiếp, lắng nghe, độc lập, tự tin, sáng tạo, giải quyết vấn đề, phát triển, trình bày kiến thức, chấp nhận rủi ro, tập trung, kiên trì, thành công, suy nghĩ linh hoạt, đặt câu hỏi, thu thập thông tin, tưởng tượng, đổi mới.